HÀNH TRÌNH JERUSALEM 4 NGÀY
Sau khi kết thúc 8 ngày tại Jordan, mình tiếp tục đi đường bộ sang Israel và Palestine, mục đích theo dấu các di tích Kito giáo
📌Visa: làm tại ĐSQ Israel ở Hà Nội. Hồ sơ visa khá giống với visa Schengen, tuy nhiên chứng minh tài chính bằng tài khoản tiết kiệm phải tối thiểu 3 tháng (một số bạn có thể dưới 3 tháng thì sẽ xem xét kỹ hơn). Nếu xem thông tin trên website ĐSQ thì có mục "giấy mời" nhưng khi nộp hồ sơ visa du lịch thì không cần nhé, có thể nộp hồ sơ cho cả nhóm nếu có mối quan hệ ruột thịt. Hồ sơ nhà mình 3 người đầy đủ và có lịch sử visa nhiều nước nên sau khi nộp không phải bổ sung gì, cứ thế đi về và có sau 7 ngày. Visa cấp bởi ĐSQ ở Việt Nam dán vào hộ chiếu, đây có thể sẽ là một vấn đề nếu các bạn có ý định đi Iran hay các nước thù địch với Israel sau này.
📌Đường bay: mình đi đường bộ từ Jordan sang Israel qua cửa khẩu Allenby / King Hussein's bridge. Nếu các bạn bay sang Israel thì mình khuyên không nên dùng hãng bay quốc gia ELAL của Israel, đường bay vòng ra biển mất nhiều thời gian (do không được mở không phận qua các nước thù địch xung quanh) và cũng không phục vụ bữa ăn.
📌Đổi tiền: đồng tiền của Israel và Palestine là "shekel", thời điểm mình đi 1 USD = 3,6 ILS, nếu đổi tại khu Do thái thì chỉ được 3,3-3,4; mình tới khu Arab đường Salah Ad-din đối diện cổng Herod, hoặc đi từ cổng Damascus sẽ đổi được 3,51-3,53. Chi phí ở Israel rất cao, thậm chí một số hạng mục cao hơn cả châu Âu.
📌Thời tiết: tháng 11 giống với mùa thu bên Jordan nhưng nhiều mưa hơn, mình sang gặp đúng ngày đầu tiên mưa rào còn sau đó nắng đẹp liên tục
📌An toàn: vấn đề an toàn tại Jerusalem và Palestine là điều mà mọi người luôn băn khoăn khi có ý định tới đây. Kinh nghiệm của mình thì cứ chỗ trung tâm thành cổ Jerusalem hoặc cạnh thành cổ (Mamilla bên ngoài Jaffa Gate, Sultan Sulayman road bên ngoài Damascus Gate,…) mà ở, các vụ đánh bomb hầu hết chỉ xảy ra ở các vùng xung quanh, thành cổ là thánh địa của cả Do thái, Kito, Hồi giáo nên thật ra lại là nơi an toàn nhất, tương tự với Bethlehem, cứ ở gần mấy nơi di tích vừa an toàn vừa tiện đi lại. Thành cổ Jerusalem chia làm 4 khu: Do thái, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Armenia; mình ở khu Do thái vừa sạch sẽ, yên tĩnh dù giá cao hơn khu Arab, Armenia, một điểm trừ nữa là nhân viên khách sạn ở khu này không nhiệt tình phục vụ khách, có cảm giác không chào đón khách du lịch, nhưng mình đi nhiều nơi như vậy rồi nên cũng kệ thôi.
An ninh ở thành cổ Jerusalem thì rất tốt, số lượng cảnh sát, an ninh mật ở đây dày đặc cùng với hàng nghìn camera ở các góc phố và các chốt an ninh ở xung quanh khu vực Núi Đền, Bức tường Than khóc.
📌Ăn uống: mình ở ks Do thái nên các món ăn rất đặc trưng Do thái, chế biến xung quanh các nguyên liệu như phômai, sữa chua, olive, một số món rất giống các món Arab đặc biệt là các món củ quả muối ăn kèm.
📌Di chuyển nội đô: mình ở thành cổ nên hầu như không đi ra vùng ngoài, khi sang Palestine thì đi bằng bus. Ở Israel dùng app Moovit để gọi xe thay cho Uber hay Grab nhưng mình không có cơ hội dùng thử
📌Lịch trình cụ thể: mình dành 3 ngày đầu ở Jerusalem, 2 ngày khu bở Tây thuộc Palestine (mình sẽ viết kinh nghiệm ở bài sau), 1 ngày cuối lại về Jerusalem. Các địa danh trong lịch trình đều có tính lịch sử lâu đời, để giới thiệu rất dài nên mình chỉ tóm tắt lại hành trình và giới thiệu sơ qua cho các bạn dễ hình dung.
📍Ngày 1:
Trưa - chiều: nhập cảnh từ Jordan qua cửa khẩu Allenby / King Hussein's bridge
❗️Thủ tục xuất cảnh Jordan:
- Từ Amman đi ô tô mất 1h45p đến cửa khẩu, có 2 nhà ga dành cho dân Jordan và khách quốc tế.
- Vào khu hành chính cửa khẩu ga quốc tế, soi chiếu hành lý như tại sân bay.
- Qua quầy đầu tiên nộp thuế xuất cảnh Jordan 10JOD/người lấy phiếu nộp thuế (gồm 2 liên dính nhau)
- Qua quầy kiểm soát hộ chiếu nộp phiếu nộp tiền, visa Jordan (nếu là visa rời), hộ chiếu
- Ra ngoài kiếm xe bus liên vận ở đối diện, gặp lái xe nộp 7JOD/người và 2JD/kiện hành lý dưới gầm xe.
- Ngồi chờ tới khi xe khoảng 20-30 người thì lái xe sẽ vào khu hành chính lấy hộ chiếu trả từng người
- Xe khởi hành qua 2 trạm kiểm soát, trạm thứ 2 sẽ có lính biên phòng lên kiểm tra hộ chiếu, thu 1 liên phiếu nộp thuế xuất cảnh, visa Jordan (nếu visa rời)
- Các bạn đã qua hết đất Jordan, chào mừng đến "No man's land"
‼️Lưu ý: Một vấn đề khi chúng ta đi du lịch Israel là việc hộ chiếu có các dấu xuất/nhập cảnh Israel, đây là điều khiến cho việc các bạn gần như không thể đi du lịch một số nước thù địch với Israel bằng hộ chiếu đó. Để tránh việc này thì Israel không đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu nữa, mà thay bằng một phiếu gọi là "blue card" trên đó có in ảnh, các thông tin cá nhân và thời gian lưu trú, khi xuất cảnh cũng không đóng dấu để không có vết tích rằng các bạn đã tới Israel, một số ĐSQ Israel ở các nước khác còn cấp visa rời thay vì visa dán. Tuy nhiên, nếu nhập cảnh bằng đường bộ từ Jordan thì sẽ có dấu xuất cảnh ở các cửa khẩu biên giới Jordan/Israel, mình đã từng đọc một số cảnh báo về việc khi đi du lịch Iran thì bị từ chối nhập cảnh vì có dấu xuất cảnh ở các cửa khẩu này, điều đó chứng tỏ bạn đã vào Israel mà không khai báo.
Khi mình nộp hộ chiếu ở bên Jordan thì mình có đề nghị họ không đóng dấu xuất cảnh vào hộ chiếu mà đóng ra một mảnh giấy rời, họ nói "ok" và khi nhận lại hộ chiếu thì họ đóng dấu vào mặt sau phiếu nộp thuế xuất cảnh, nhưng mình nhìn toàn bộ khách du lịch trên chuyến bus sang Israel thì ai cũng được đóng dấu như vậy nên có thể bây giờ Jordan cũng không đóng dấu vào hộ chiếu nữa. Để chắc ăn các bạn nên hỏi kỹ khi nộp hộ chiếu.
❗️Thủ tục nhập cảnh Israel
- Sau khi đi khoảng 4km hết khu vực "No man's land" sẽ đến chốt an ninh đầu tiên của Israel, tất cả các chốt an ninh của Israel đều tự động và theo dõi bằng camera, chốt thứ 2 có nhân viên an ninh ngồi trong 1 booth chống đạn và dán kính phản quang nên cũng không biết bên trong thế nào. Việc điều phối các xe qua chốt an ninh đều từ xa qua các hệ thống đèn, vạch.
- Qua 2 chốt an ninh thì đến nhà ga, tùy thuộc vào dạng xe và thời điểm mà có thể ở các nhà ga khác nhau, nhưng cũng phân chia thành nhà ga cho khách quốc tế và nhà ga riêng cho công dân các nước Arab. Đến nhà ga các bạn chưa được phép xuống xe, sẽ có một nhóm nhân viên dỡ hành lý ở gầm xe xếp ra sân, sau đó họ đi thì hành khách mới được xuống nhận hành lý.
- Vào sảnh thì việc đầu tiên là dán tag hành lý và gửi vào bộ phận soi chiếu, người thì đi qua cửa an ninh ra phía sau khu soi chiếu nhận lại hành lý. Tất cả các thao tác của nhân viên an ninh đều có thể quan sát từ xa, nếu hành lý của bạn có vấn đề thì bạn chỉ được phép cấp mật khẩu, chìa khóa để họ mở mà không được trực tiếp tiếp cận hành lý của mình.
- Sau khi nhận lại hành lý thì đến quầy nhập cảnh, mình đã đi nhiều nước khó như Mỹ, Anh nhưng thấy lúc nhập cảnh Israel chặt hơn nhiều. Hộ chiếu vợ mình cấp lâu rồi nên ảnh ngày xưa hơi khác bây giờ, nhân viên an ninh soi kỹ, hỏi ngày cưới, quen nhau bao lâu rồi, thậm chí còn hỏi 2 câu "tên bố vợ anh là gì?", "anh có chắc chắn là vợ anh chưa từng tới Israel không?". Sau đó vẫn thấy nghi ngờ gì đó nên anh ta gọi cho sếp và mời mình ra góc đứng chờ, mất 20p để ông sếp kiểm tra các thông tin mới cấp blue card cho vợ mình nhập cảnh.
- Xong thủ tục nhập cảnh, mình lại phải đi qua 1 booth nữa xem xét lại các thông tin hộ chiếu và blue card. Toàn bộ thủ tục từ lúc xuất cảnh Jordan đến khi ra khỏi sảnh đón Israel mất hơn 3h.
Chiều - tối: Mình mất thêm 1h di chuyển về Jerusalem trong cơn mưa tầm tã nên chỉ về khách sạn nghỉ ngơi, buổi tối cũng thèm món Á nên kiếm quán TQ ăn tối rồi đi lang thang thành cổ tìm đường trước cho ngày hôm sau.
🔺Khách sạn: The Sephardic House in the Jewish Quarter gần Zion Gate (trên google map là Spanish House)
🔺Nhà hàng: Mian noodles ở khu Mamilla
📍Ngày 2: Bức tường Than khóc - Western Wall. Núi Đền - Temple Mount, Tháp David - Tower of David, Đi bộ trên tường thành cổ - Ramparts Walk, Via Dolorosa St - Con đường khổ hạnh của Jesus, Núi Olive
Sáng - trưa: mình bắt đầu buổi sáng bằng việc đi xuyên thành cổ từ cổng Zion phía Nam ra Bức tường Than khóc, đường xá rất lắt léo nhưng nhờ tối hôm trước đã đi tiền trạm rồi nên chỉ mất 15p là đến quảng trường bên dưới Bức tường, nơi người Do thái thực hiện các nghi lễ tôn giáo, sau đó đi tiếp ra phía cổng Dung Gate phía Đông để lên Núi Đền. Lưu ý: lối lên Núi Đền nằm ngay bên cạnh chốt an ninh phía Đông (không phải người Hồi giáo thì chỉ có 1 lối này đi lên, lúc xuống thì có thể xuống qua tất cả các lối khác), không hề có biển chỉ dẫn gì cả, chỉ là một cánh cổng sắt nhỏ, rất dễ bỏ qua nếu không chú ý. Để lên Núi Đền các bạn phải ăn mặc lịch sự, không cần che tóc nhưng không được mặc quá bó, không mang theo các đồ vật tín ngưỡng của tôn giáo khác ngoài Hồi giáo.
Núi Đền gồm 3 chốt an ninh: chốt ngoài cùng do nhân viên an ninh Israel gốc Arab quản lý (soi chiếu hành lý, kiểm tra trang phục, đồ vật,…), đi hết chiếc cầu bằng gỗ lên chốt an ninh thứ 2 cũng do an ninh Israel gồm vài chục cảnh sát trang bị đầy đủ, chốt này không kiểm tra gì mà chỉ phòng ngừa các tình huống bạo động, khủng bổ. Chốt thứ 3 các bạn không nhìn thấy nhưng có, đó là các nhân viên thường phục của Cơ quan quản lý tôn giáo Jordan, quản lý bắt đầu từ sân Núi Đền.
Sau khi kết thúc ở Núi Đền, mình ra ở lối phía Tây để đi về phía Jaffa Gate, nơi có Bảo tàng Tower of David, từ đây các bạn có tầm nhìn toàn bộ thành cổ và các khu vực xung quanh cũng như giới thiệu lịch sử hình thành của Jerusalem qua các thời kỳ. Ở bên dưới Tower of David là một lối lên tường thành cổ đi về phía Nam - Đông (qua khu Armenia, Do thái), nếu đi lối này bạn mua vé ngay tại đây. Nếu các bạn muốn đi trên tường thành về phía Bắc - Đông (qua khu Thiên chúa giáo, Hồi giáo) thì phải đi ra Jaffa Gate, có một quầy bán vé ghi "Ramparts Walk" và lối lên tường thành ngay bên cạnh, lối này dài hơn nhưng có thể đi xuống các cổng Damascus, Herod gần với Via Dolorosa - Con đường khổ hạnh của Jesus. Via Dolorosa là con đường mà Jesus đã vác thánh giá gỗ từ nơi xét xử tới nơi hành hình, dọc con đường có 9 dấu mốc đánh dấu các sự kiện trên con đường này theo Kinh thánh, 5 dấu mốc cuối cùng của Jesus hiện nay nằm trong Nhà thờ Phục Sinh - Church of Holy Sepulchre.
Chiều - tối: sau khi nghỉ trưa tại khách sạn thì mình tiếp tục đi bộ khoảng 3km lên đỉnh núi Olive để ngắm Jerusalem lúc hoàng hôn, đường đi lên núi Olive xuyên qua khu nghĩa trang cổ của người Do thái với rất nhiều hầm mộ có niên đại hàng nghìn năm. Trên đỉnh Olive mình gặp 1 gia đình Do thái trẻ thực hiện một nghi thức tôn giáo với tù và schofar và các lá cờ Do thái. Mình may mắn gặp một cậu sinh viên người Việt Nam mới sang được 2 tháng, cậu bảo vui quá vì từ hôm sang mới nghe thấy tiếng Việt từ xa nên tới nhận đồng hương.
🔺Khách sạn: The Sephardic House in the Jewish Quarter gần Zion Gate
🔺Nhà hàng: vẫn thèm món Á nên mình rủ cậu sinh viên đi ăn quán Hàn ở giữa thành cổ tên là Seoul House
📍Ngày 3: Nhà thờ Phục Sinh / Nhà thờ Mộ thánh- Church of Holy Sepulchre, Checkpint 300 - Bức tường an ninh Israel/Palestine, sang Bethlehem
Nhà thờ Phục Sinh mở cửa từ 5h sáng nên mình vào thăm lúc 6h. Các không gian quan trọng nhất tại Nhà thờ:
- Rotunda: căn phòng lớn hình tròn nằm ở trung tâm Nhà thờ (nhìn ở bên ngoài là mái vòm nhỏ hơn trong 2 mái vòm của nhà thờ)
- Edicule: nằm giữa Rotunda, nơi linh thiêng nhất của công trình gồm 2 gian, gian ngoài chứa phiến đá của Thiên thần tương truyền đã dùng để niêm phong mộ Jesus, gian trong chính là mộ Jesus. Để vào được Edicule bạn có thể phải xếp hàng 2h và chỉ được phép ở bên trong khoảng 30 giây, không chụp ảnh.
- The Stone of Anointing / Tấm đá xức dầu: đây là nơi đặt xác Jesus để xức dầu khâm liệm trước khi chôn, tuy nhiên không có bằng chứng lịch sử về việc đây là phiến đá nguyên bản, chỉ là truyền thuyết từ thời Thập tự chinh.
- Golgotha / đồi Can Vê: gian tầng 2 bên tay phải khi vào từ cửa chính, đây là nơi Jesus bị đóng đinh lên thánh giá, bên dưới được cho là nơi chôn hộp sọ của Adam - con người đầu tiên.
Hiện nay Nhà thờ Mộ Thánh thuộc quản lý chung của giáo hội Chính thống giáo phương Đông (Armenia), giáo hội Chính thống giáo (Nga, Hy Lạp) và giáo hội Công giáo Rome (Vatican) nhưng chủ yếu các ban thờ, thánh đường đều thuộc giáo hội Chính thống giáo phương Đông của người Armenia, mình thật sự thích không gian mộc mạc, trầm mặc ở đây thay vì Thánh đường St Peter's ở Vatican, một sự hào nhoáng do các truyền nhân của Jesus dựng lên, không còn "tính nguyên bản" như giáo lý của Jesus nữa rồi.
❗️9h sáng mình bắt đầu hành trình sang Bethlehem, bắt đầu bằng việc ra bến xe bus ở đối diện Damascus Gate
- Đi bộ từ thành cổ ra cổng Damascus, rẽ trái khoảng 30m sẽ thấy bến xe bus bên đường Sultan Sulayman
- Ở Jerusalem có 2 loại xe bus, xe bus của người Arab và của người Do thái. Chỉ có xe bus của người Arab mới có thể đi sang Bethlehem, điểm bắt đầu là bến xe bus trên đường Sultan Sulayman bên trái cổng Damascus. Nếu đi Bethlehem bạn có thể bắt 2 xe là 231 và 234. Sự khác nhau giữa 2 xe:
231: xe này sẽ đi xuyên qua bức tường an ninh sang Bethlehem, điểm cuối trên đường Hebron / Al Khalil Al Quds. Từ đây bạn đi bộ khoảng 20p sẽ đến quảng trường Manger, trung tâm của Bethlehem, hầu hếu các di tích tôn giáo đều ở khu vực này, hoặc bạn bắt taxi với giá 20NIS (lái xe sẽ hét giá 50$ nhưng luôn mặc cả tối đa 20NIS)
234: xe này sẽ dừng ở checkpoint 300, bạn phải tự đi qua bức tường và bắt taxi phía bên kia biên giới, taxi cũng hét giá tầm 50$ nhưng chỉ mặc cả 20-30NIS. Mình lên xe 234 (vì mình muốn tự đi qua bức tường an ninh), mua vé trực tiếp từ lái xe 4,5NIS/người
- Xe rất vắng với 7-8 người Arab, chỉ 15p là đến checkpoint 300.
- Sau khi xuống xe đi qua 2 lớp hàng rào, qua cửa xoay 1 chiều, đi tiếp qua hành lang dài, qua cửa xoay 1 chiều nữa là sang Bethlehem. Rất đơn giản phải không? Không có bất kỳ một lính gác nào, tất cả đều được theo dõi bằng camera an ninh gắn khắp nơi.
- Mình đã đặt 1 bác taxi người Palestine tên Ali chờ sẵn ở sau bức tường, tất cả đều trao đổi qua whatsapp, buổi sáng trước khi đi còn cập nhật tình hình an ninh trước khi mình lên xe bus nếu có vấn đề gì khó khăn.
❗️Ngày 4-5 tại Behtlehem và khu Bờ Tây thuộc Palestine mình sẽ chia sẻ ở bài sau
📍Ngày 6: Nhà thờ Phục Sinh, Bảo tàng Israel, ra sân bay Ben Gurion bằng route 45-443
Ngày 3 mình đã đến Nhà thờ Phục Sinh nhưng vào sáng sớm nên Edicule chưa mở cửa (mở lúc 9h sáng), ngày cuối mình lại vào xếp hàng mất gần 2h để vào Edicule. Sau đó cả buổi chiều mình dành thời gian ở Israeli Museum, đây là một bảo tàng rất lớn với nhiều gian trưng bày, không chỉ về văn hóa, lịch sử Israel mà còn cả vùng Trung Đông, Địa Trung Hải, trong đó nổi bật nhất là khu trưng bày các Cuốn sách Biển Chết, nếu các bạn chưa xem các di vật này ở Jordan thì có thể xem ở đây. Ngoài ra ở bảo tàng còn có không gian triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, hôm mình đi có sự kiện triểm lãm "The Burning Sea" của Sigalit Landau, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại là các đồ vật được ngâm dưới biển Chết trong một thời gian dài.
Nếu có thời gian các bạn nên đi thử bảo tàng Yad Vashem, một bảo tàng rất nổi tiếng về lịch sử diệt chủng người Do thái, bảo tàng này miễn phí nhưng phải đặt chỗ trước. Mình đã chủ quan nên đặt chỗ trước 3 ngày mà hết sạch.
Từ Jerusalem ra sân bay Ben Gurion mình bảo lái xe đi route 45-433 thay vì route 1. Route 45-433 rất gần với Ramallah, thủ đô hành pháp của Palestine, nơi có checkpoint lớn nhất, an ninh nhất giữa Israel/Palestine, đi trên đường có thể nhìn thấy Ramallah và các ngôi làng Arab bị tuyến cao tốc chỉ dành cho người quốc tich Israel này cô lập, chứng kiến những người Israel gốc Arab bỏ xe trên cao tốc và trèo lan can về nhà thay vì đi vòng hơn 1h qua checkpoint.
🔺Khách sạn: The Sephardic House in the Jewish Quarter gần Zion Gate
🔺Nhà hàng: Mian noodles ở khu Mamilla, quán này của một gia đình đến từ Hong Kong, khá ngon nên mình quay lại ăn trước khi chia tay.
Hy vọng với chia sẻ của mình thì các bạn sẽ có thêm thông tin để tới Jerusalem.