KINH NGHIỆM DU LỊCH TRUNG Á
Kể câu chuyện du lịch thường có nhiều thứ và không biết bắt đầu từ đâu. Hy vọng bài cố-gắng-ngắn-gọn này sẽ giúp mọi người hình dung sơ lược về Trung Á và có lựa chọn đi Trung Á phù hợp.
Khái niệm Trung Á ở đây mình dùng để chỉ 4 nước Kazakhstan - Kyrgyzstan - Uzbekistan - Tajikistan. Đây chưa phải tất cả các quốc gia khu vực Trung Á.
1. Thời điểm du lịch Trung Á phù hợp?
Trung Á sẽ đẹp nhất vào mùa thu (lá vàng lá đỏ ở một số nơi) và mùa xuân (khi các núi tuyết còn chưa tan hết và thời tiết mát mẻ). Vào mùa hè, nền nhiệt ở Uzbekistan có thể lên tới 40 độ C nhưng độ ẩm cực thấp nên vẫn chấp nhận được. Mùa hè không phải mùa cao điểm du lịch nên đỡ cảm thấy xô bồ hơn. 3 nước Kazakhstan - Kyrgyzstan - Uzbekistan có sự thay đổi về nhiệt độ nên du lịch vào mùa hè, bạn cũng cần chọn trang phục thay đổi phù hợp.
2. Có phải xin visa không?
Visa không phải trở ngại ở 3 nước trên. Kazakhstan và Kyrgyzstan đều miễn visa cho người Việt Nam, Uzbekistan xin visa online dễ dàng, khoảng 3-4 ngày là có. Visa Uzbek có thể xin dạng single entry (20 đồng) hay double entry.
Nếu bạn chọn bay nối chuyến tại Ấn Độ mà không phải transit, làm thêm visa Ấn Độ cho chắc. Mình làm visa Ấn 5 năm từ lâu rồi, 80 đồng, nên mình rất thích chọn Ấn làm trung chuyển cho bõ visa.
3. Bay như thế nào cho rẻ?
Bay tới Trung Á bây giờ có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều bạn đề cập về đường bay thẳng Nha Trang - Almaty (Kazakhstan) nhưng nói thật là bọn mình cũng tìm kiếm kỹ thông tin lắm rồi, đường bay đó chủ yếu là bay charter và không hề rẻ.
Nếu theo lộ trình của bọn mình, các bạn nên đặt khứ hồi VN - Ấn Độ. Bọn mình sau đó bay Delhi - Almaty (Kazakhstan) của hãng Astana (hàng không quốc gia, dịch vụ tốt), và chiều về là Tashkent (Uzbekistan) - Delhi của Indigo.
Khứ hồi VN - Ấn Độ của VJ tháng 7 bay thì tháng 6 mình mới đặt, giá khoảng 5tr.
Hai chặng kia rơi vào khoảng 8tr.
Tổng cộng vé máy bay là 13tr.
4. Lịch trình đi Trung Á như thế nào?
Đi thế nào thì có rất nhiều cách, nhưng một lịch trình mình thấy mọi người hay đi (và bọn mình cũng đi) là Kazakhstan - Kyrgyzstan - Uzbekistan (có thể ghé ngang qua Tajikistan ở đây). Tất nhiên có những người đi thêm để nối dài chuyến đi sang Turkmenistan hoặc sang hẳn phía Azerbaijan phía bên kia hồ Caspian, nhưng cái đó thì thôi tuỳ plan.
Thường chuyến đi sẽ tách ra làm 2 cụm: Kazakhstan - Kyrgyzstan và Uzbekistan. Tại sao lại tách ra 2 cụm như vậy?
Thứ nhất, cụm đầu mọi người hay sử dụng landtour. Landtour sẽ đón các bạn từ Almaty (Kazakhstan), khám phá các địa điểm ở Kazakhstan trong vòng 2-3 ngày, rồi sau đó sang Kyrgyzstan khoảng 6-7 ngày nữa. Điểm cuối của hành trình này thường là thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Có nhiều người đi ngược lại, bắt đầu từ Bishkek trước và kết thúc ở Almaty.
Thứ hai, cụm này gọn gàng cho một chuyến đi không quá dài, 9-10 ngày hợp lý, phù hợp với người đi làm không nghỉ được lâu và không muốn chuyến đi quá hời hợt.
Thứ ba, cụm Kazakhstan - Kyrgyzstan chủ yếu là thiên nhiên, trong khi Uzbekistan sẽ thiên nhiều về kiến trúc và văn hoá. Một điều không nên bỏ qua là xuyên suốt cả chuyến đi Trung Á là câu chuyện Xô Viết và “di sản” Xô Viết còn lại ở khu vực này.
Nói tóm lại, đây là 3 highlight của Trung Á: Thiên nhiên tươi đẹp Kazakhstan và Kyrgyzstan, Vẻ đẹp kiến trúc và văn hoá Hồi giáo của vùng Uzbekistan, di sản của Xô Viết
5. Landtour mua ở đâu?
Landtour Kazakhstan và Kyrgyzstan giờ phổ biến lắm rồi, bạn cứ vào các nhóm tìm bạn đi du lịch nước ngoài và tìm từ khoá landtour Trung Á chắc sẽ ra nhiều gợi ý. Bọn mình không đặt mua tour qua các công ty trong nước, làm giá cao quá trời.
Giá landtour hai nước trên cũng rất dao động nhé, ví dụ trong 8 ngày sẽ rơi vào khoảng 350-600 đồng/người (với số lượng người nhất định), tuỳ vào việc bạn thương lượng ra sao và dịch vụ sử dụng như thế nào. Nếu landtour không bao gồm ăn uống và chỗ ở (các bạn trả riêng) thì giá sẽ rẻ hơn.
Landtour nhóm mình đặt khá rẻ vì bọn mình tự trả hết tiền ăn, tiền ở, không để tourguide lo. Thường các nhóm muốn giá tốt phải đi rất đông (8-10 người trở lên) nhưng bọn mình chỉ có nhóm 4. Lịch trình với landtour do bạn và landtour cùng thảo luận rồi chốt. Nhưng nhìn chung, tất cả những chỗ bạn thấy đẹp đẹp trên mạng, landtour sẽ có hết cho bạn ấy mà. Trong chuyến đi, bọn mình có vài trục trặc nho nhỏ với landtour nhưng thôi, chủ yếu sẽ là common sense của mọi người khi đi du lịch.
Mình biết nhiều bạn không mua land tour và tự đi hết khu vực này. Điều này hoàn toàn khả dĩ, ngại nhất chuyện phương tiện thôi. Ví dụ vào khu vực hồ Songkul ở Kyrgyzstan nó xa tít tắp, phương tiện cá nhân còn ít vào nữa là phương tiện công cộng. Mà đặt các tour lẻ theo ngày thì cũng quá tội đắt. Nên là, đỡ mệt thân thì quăng cho landtour.
6. Hết landtour rồi thì sang Uzbekistan kiểu gì?
Kết thúc landtour ở Bishkek, mọi người mua vé xe ô tô giường nằm đi từ Bishkek (Kyrgyzstan) qua thủ đô Tashkent (Uzbekistan). Xe đi đêm, khoảng sáng 6-7 giờ sẽ tới nơi. Xe này nhiều khách du lịch đi nên cũng dễ thôi, giá đâu đó hơn 600k.
Xuyên suốt chuyến đi, bạn mình hay mua eSim ở mỗi nước, thấy rẻ à, có hơn 100k. Tuy nhiên, nếu có sim vật lý thì tốt để gọi Yandex cho rẻ - app như kiểu Grab ở Việt Nam. Hoặc hỏi guide landtour cho mượn số để đăng ký Yandex được không, còn lúc gọi xe thì có eSIM là được.
Gọi Yandex ở bên Trung Á rẻ lắm luôn, đi nhóm 4 chia ra rẻ ơi là rẻ.
Uzbekistan là một đất nước có khoảng 7 di sản UNESCO, 5 văn hoá và 2 tự nhiên, thì trong lịch trình có tới 3 thành phố là 3 di sản UNESCO, bao gồm Khiva, Samarkand và Bukhara.
Trong 9 ngày ở Uzbekistan, mọi người thường đi qua 3 thành phố đó và thủ đô Tashkent. Mỗi thành phố kia 2-3 ngày, Tashkent 1 ngày là đủ.
Di chuyển giữa các thành phố này kết hợp bằng tàu và ô tô. Tàu hoả lên website của hãng tàu Uzbekistan đặt, ô tô ra bến xe mua vé, tiện lắm. Sắp xếp sao cho phù hợp thời gian là được. Bọn mình đi theo hành trình Tashkent - Samarkand - Khiva - Bukhara - Tashkent.
Ở 2 nước kia thì ít tiền tham quan, bên Uzbekistan thì mất nhiều vé tham quan di tích. Nhưng yên tâm, đi hết mấy điểm tham quan chính ở đây cũng chưa đắt bằng cái vé vào Taj Mahal ở Ấn Độ hay Chichen Itza của Mexico.
7. Ăn uống ở Trung Á sao?
Nhìn chung, Trung Á ăn uống không đa dạng nhưng họ không dùng quá nhiều gia vị nên mình thấy ăn ổn. Thịt bò, thịt cừu, thịt gà dùng nhiều. Cả ba nước này đều ít ăn rau lá, bạn mình kêu oai oái, chủ yếu khoai tây cà rốt. Bù lại họ có nhiều hoa quả và hoa quả rẻ lắm. Ngày nào cũng ăn dưa hấu, mơ, đào…
Các guesthouse ở Uzbek hay có bao gồm bữa sáng; bữa sáng truyền thống cũng đơn giản, nhiều bánh mì và hoa quả.
Món truyền thống nổi tiếng nhất là Plov (Pilaf, Osh) thực ra là cơm đảo ngập dầu lol và các loại Kebab. Again, mình dễ ăn, ăn cũng thấy ngon.
Mình không thấy có gì trở ngại lắm, bạn nào khảnh ăn thì mang đồ ăn khô theo, thêm chai tương ớt.
8. Chi phí đi Trung Á có đắt không?
Mình kể sơ sơ là các bạn ước lượng được rồi đó, còn các chi phí ăn uống, đi lại, ở thì nhìn chung đều khá phải chăng, ngang Việt Nam cho những bữa ăn bình thường. Nếu đi trong vòng 20-21 ngày thì dao động từ 40-50tr.
Bạn nào sang hơn, thích ở khách sạn 3-4 sao, đi trekking lúc nào cũng thuê ngựa… thì mình không có trải nghiệm giá cho các bạn biết đâu. Bạn nào đi về tiêu hết nhiều hơn đừng trách mình
9. Còn lưu gì khác không?
Đổi tiền ở sân bay, vào nước nào đổi tiền nước đấy, không thì bảo guide dẫn đi đổi, không hề khó.
Mang trang phục phù hợp với việc đi bộ và leo núi nhiều. Dù có landtour thì các bạn vẫn phải đi bộ kha khá, nhất là đám bạn mình “chân đi không mỏi”, ngày nào cũng dài từ 5h sáng đến 8-9h tối.
Người dân Trung Á nhìn chung thân thiện, hiền lành, đặc biệt là người Uzbekistan.
Tôn trọng người dân bản địa và di tích lịch sử, đặc biệt ở Uzbekistan.
Múi giờ không quá khác Việt Nam, lệch 1-2 tiếng tuỳ nước tuỳ vùng.
Trung Á an toàn, theo cảm nhận của mình.
10. Trung Á có đáng đi không?
Rất đáng!! Bài review theo dạng info nên mình không chia sẻ nhiều về cảm nhận cá nhân hay những điều mình học được. Mình chắc chắn nếu có dịp thuận tiện quay lại, mình vẫn muốn quay lại Trung Á.